Monday 19 September 2016

Tản mạn về Dép Guốc

Hôm kia có cô bạn cho coi hình dép râu trên Facebook làm tôi nhớ tới thời kỳ "quá độ lên CNXH" hay là thời "bao cấp".

Bây giờ thấy lại dép râu mà còn ...rùng mình , ớn xương sống . Tôi thấy đôi dép này lần đầu tiên vào trưa 30-4. Khi đi từ bến sông Bạch Đằng về nhà, đi ngang qua Thượng Nghị Viện thì thấy mấy "ông du kích VC" đứng đầy ở đó . Ông nào cũng mang dép râu , mặc đồ đen , quấn khăn rằn , vác cây Aka. Hồi trước thì toàn thấy hình ảnh này trong TV thôi . Bữa đó thấy tận mắt , thật hãi hùng vì thấy họ vác súng dữ tợn quá .

Đôi dép này làm nhiều người bị ám ảnh lắm nên đặt 2 câu thơ này :
" Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ
   Mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai "




Thời đó nghèo đến nỗi không có được 1 đôi dép lành lặn để đi học . Mấy người lớn thì còn giày , dép cũ để đi tạm được vài năm . Chứ  tụi con nít choi choi như tụi tôi thì khổ sở lắm . Giày dép cũ thì không còn mang vừa nữa rồi . Cho nên kiếm được 1 đôi dép lành lặn , vừa chân mình để đến trường cũng là 1 điều nan giải .

Sau 75 thì may mắn là tôi có được 1 đôi dép da quai màu đen bóng láng . Chính giữa quai có đính cái bông hippy vàng chói thật nổi . Không biết mẹ tôi mua hồi nào mà tôi mang vừa y . Tôi rất quý đôi dép đó . Chỉ dám mang khi đi học thôi . Đế dép rất mỏng nên tới trường thì tôi không dám chạy nhảy gì hết vì sợ đứt quai . Giừ gìn cẩn thận lắm nhưng chỉ 1 thời gian ngắn là nó cũng đứt quai thôi . Vậy là sau đó phải thường xuyên là khách hàng thường trực của bác sửa giày dép dạo .  Đôi dép đó tương tự như hình dưới đây nhưng có bông màu vàng . Nhưng chỉ vài tháng sau thì không cách chi cứu vãn tình thế được nên tôi đành phải ngậm ngùi chia tay với em dép dễ thương đó . Sau đó thì tôi phải đi ké dép của bà ngoại tôi vì bà cũng có 1 đôi từa tựa của tôi nhưng không có gắn bông . Khổ cái là chân bà lại nhỏ hơn chân nhỏ cháu nên tôi làm đôi dép của bà rách luôn .






Kế tiếp là hết dép da nên phải chuyển qua dép nhựa . May mắn là mấy chị con Bác ở Hà Nội đã tiếp tế vô Nam mấy đôi dép nhựa trong khá tốt . Thời đó làm gì có tiền mua dép nên có gì mang đó , đâu có lựa chọn nào khác nữa . Tôi đi vừa 1 đôi màu xanh cẩm thạch , kiểu vừa vặn khá thoải mái . Dép nhựa này khá tốt nên bác sửa dép chắc nhớ con nhỏ lắc xắc lắm vì nó biến mất tiêu .





Vài năm sau , cỡ năm 80 , thì chợ có bán nhiều loại dép khác đép hơn dép nhựa trong này . Tôi cũng tậu được 1 đôi dép mút tương tự như hình này , đế cỡ 2 phân, màu xanh biển . Quai dép có hình trái táo xinh xắn (dân mình mê trái táo trước Steve Jobs của Apple hén 😆) . Tôi rất quý đôi dép đó . Nhưng đã bị tịch thu khi bị bắt dưới Năm Căn . Họ nghi mình dấu vàng trong đó nên tịch thu hết dép , guốc khi vô trại .



Sau đó , cỡ năm 81-83, thì tới phong trào guốc gỗ . Mới đầu guốc chỉ có màu gỗ tự nhiên như vàng nhạt hay màu gỗ thôi . Sau đó lại có guốc sơn đủ màu xanh , tím , trắng , đen , đỏ , cùng với đủ loại quai rất nghệ thuật . Mấy cô tha hồ mà điệu đàng . Rồi lại có guốc vẽ bông hoa , hoạ tiết đủ kiểu rất lạ mắt .






Cũng cỡ những năm sau 80 thì làn sóng gởi quà từ ngoại quốc về nhiều , nên lại nổi lên phong trào dép nhựt loại dày . Dép nhựt loại này đế dày cỡ 1-2 phân , có nhiều màu . Quai bằng vải màu hay sọc khá bền . Lúc này hàng "nhái" cũng đã phát triển nhưng giá cả nhẹ nhàng hơn nên cũng được ưa chuộng .




Tôi chỉ biết tới đây là chấm dứt vì đã rời VN sau đó .
Xin mời các bạn viết tiếp dùm thời trang giày dép những năm kế tiếp nhe ....

19/9/2016

Tuesday 13 September 2016

Berlin- Germany

Sau khi tôi đi du lịch Bắc Âu về thì rất nhiều người hỏi tôi thích thành phố nào nhứt. Câu hỏi thật khó trả lời vì nơi nào cũng có nét đẹp đặc trưng của nơi đó.

"Nếu hỏi rằng em yêu nơi mô?
Thì em rằng, em yêu Oslo nè,
Thì em rằng, em yêu Berlin nè,
Em yêu St Petersburgh nè,
Nhưng yêu nhứt là. ..Berlin cơ"

Tôi cũng không thể giải thích rõ được tại sao thành phố Bá Linh nhộn nhịp, đông đúc lại cho tôi 1 ẩn tượng đẹp như vậy. 

Tiếc là chúng tôi chỉ có vài tiếng ở nơi đó thôi nên không đi thăm được những nơi tôi nghĩ sẽ rất thích thú. 

Sau 3 giờ ngồi xe lửa chúng tôi mới tới Bá Linh. Vừa ra khỏi trạm xe lửa thì chúng tôi leo lên xe tour bus. Trạm xe lửa ở phía Đông của thành phố cho nên thuộc về Đông Đức cũ. Đi lòng vòng khu Đông Đức thì tôi thấy rất nhiều công trình xây dựng đang tiến hành. Tuy nhiên khu này vẫn còn tiều tụy, chứng tỏ mấy chục năm trước còn thua xa. 

Sau đó xe chở chúng tôi tới bức tường Bá Linh nổi tiếng thế giới. Đáng lẽ chúng tôi chỉ được xuống chụp hình độ 10 phút thôi nhưng khi xe đang đi chầm chậm thì bị 1 xe khác quẹt đầu xe bus chúng tôi. Nhờ vậy mà chúng tôi được xuống tha hồ chụp hình hơn nửa tiếng luôn. 

Bức tường này đã được đập rất nhiều rồi nhưng vẫn còn để lại 1 đoạn rất dài dọc bờ sông như 1 chứng tích lịch sử. Rất nhiều họa sĩ đã tới vẽ lên phần còn lại của bức tường này nên bây giờ chúng ta thấy nó hiền hoà như 1 tác phẩm nghệ thuật vậy. Bà tour guide nói với chúng tôi là hồi đó thì lề đường bị chặn lại. Không ai được bén mảng tới gần tường hết. Bức tường cũng không cao lắm, cỡ 3 thước thôi. Nhưng hồi xưa có hàng rào kẽm gai giăng rất nhiều trên đó. Sau bức tường thì lính Đông Đức đi trực thường xuyên. Nếu ai liều mình "vượt biên" thì bị bắn bỏ liền. Nếu ai may mắn thoát được lằn đạn thì cũng khó lòng qua được bên kia vì cách bức tường mấy chục mét là con sông chia đôi đất nước. Khó lòng mà bơi qua hết con sông để tới bến bờ tự do!!

Có lẽ bức tường Bá Linh làm tôi thấy yêu mến thành phố này nhứt trong những nơi tôi đi qua
 nó gợi nhớ về con sông Bến Hải chia đôi nước VN chúng ta.
 
Sau đó chúng tôi tới khu tưởng niệm những người Do Thái bị sát hại trong thế chiến thứ hai. Khu này gồm những cột cao thấp khác nhau trông như những nấm mồ tập thể. Có nhiều cột cao tới 3 mét. Mình đi trong đó bị lọt thỏm vô không thấy đường ra. Đi vòng vòng trong đó giống như lạc vào mê hồn trận, tối tăm mặt mày luôn. Tôi có cảm giác nghẹt thở & rất sợ hãi vì không biết ra lối nào. Tôi nghĩ họ muốn chúng ta cảm nhận được sự khiếp hãi mà người Do Thái đã trải qua.

Chúng tôi không có giờ đi thăm những trại tập trung Do Thái, nhưng tôi nghĩ cũng không khác lắm với những trại tập trung "cải tạo" ở VN.

Tôi thật sự mến phục dân Đức đã đoàn kết xây dựng Đức quốc ngày nay thật vững mạnh. Tại đây có rất nhiều đền đài, nhà thờ cổ kính, vĩ đại. Bên cạnh đó cũng có nhiều kiến trúc tân thời thật đáng nể.
1 trong những kiến trúc tân thời mà tôi cảm phục là tòa quốc hội bằng kính (glass dome). Tòa nhà này rất cao nhưng ta có thể đi từ dưới lên bằng chính sức của mình, không cần cầu thang hay thang máy gì cả. Họ xây đường xung quanh vòm kính & chúng ta chỉ việc đi theo con đường xoắn ốc đó từ từ sẽ lên tới đỉnh. Vừa đi vừa nghe máy thì sẽ biết thêm về các tòa nhà xung quanh thành phố. Đi tới đâu thì máy sẽ nói cho chúng ta biết về tòa nhà đó. Vô đây rồi ai cũng thích thú không muốn đi ra vì ngắm nhìn cả thành phố thật đẹp.

Aug 11, 2014

Hệ thống di chuyển công cộng Bắc Âu


Sau chuyến viếng thăm vài nước Bắc Âu vừa qua tôi có dịp thử nghiệm hệ thống di chuyển công cộng tại đó và thực sự khâm phục các nước này. 

Vừa chân ướt, chân ráo bước xuống phi trường Copenhagen thì tôi được cô bạn thuở nhỏ đón tiếp nên cũng bớt bỡ ngỡ. Thanh Vân và con gái dẫn chúng tôi tới máy bán vé xe lửa tự động để mua vé đi về khách sạn. Sau đó chúng tôi ra sân ga leo lên xe lửa. Tôi quá ngạc nhiên khi T Vân nói là mình cứ việc tự nhiên leo lên xe chứ không cần đưa vé cho ai cả. Lâu lâu sẽ có người đi xét vé. Nếu ai không có vé sẽ bị phạt gấp 10 lần. Mới ngày đầu mà tôi đã thán phục sự tự giác của họ rồi.

Vài ngày sau thì tôi đi xe lửa tại Oslo- Na Uy và thật bất ngờ khi thấy máy bán vé nằm bên trong sân ga chứ không phải nằm trước sân ga như ở Đan Mạch. Tức là ai muốn ra vô xe lửa đều tự do. Mua vé xe là do tinh thần tự giác và không thấy ai đi soát vé cả. Hoàn toàn không có hàng rào hay cửa ngăn sân ga với ngoài đường. Cô em họ đi chung với tôi phải trầm trồ thán phục nền giáo dục của Na Uy. Họ không chỉ giáo dục sự thật thà trên lý thuyết mà còn tin tưởng người dân và cho dân cơ hội áp dụng nữa. 

Hệ thống di chuyển công cộng của họ rất tiện lợi và chằng chịt khắp các ngả đường. Cho nên phần lớn dân chúng di chuyển bằng hệ thống này. Nếu nhà ai ở xa trạm xe thì họ cũng đạp xe từ nhà tới trạm khóa lại rồi lên xe buýt hay xe lửa đi tiếp. Những bãi đậu xe đạp thì nhan nhãn đầy đường như Sài Gòn những năm 75-80 vậy. Nhưng khác xa là không cần ai giữ hết. Xe chỉ việc khóa rồi để đó thôi. 

Thiên hạ đạp xe vèo vèo trên những làn đường dành riêng cho xe đạp nên rất an toàn. Những đứa bé 5, 7 tuổi đạp xe đi theo cha, mẹ buổi sáng tới trường hay nhà trẻ rất đông. Nhiều ông cha, bà mẹ chở con nhỏ trên ghế nhỏ ở sườn ngang hay trên yên xe phía sau. Hay có nhiều xe 3 bánh kéo cái rờ mọt đằng sau hay đằng trước rất tiện lợi. Phần lớn dân Bắc Âu đều có dáng người thon thả, gọn gàng, chắc nhờ đạp xe hàng ngày. 

Tới London- Anh Quốc thì thêm ngạc nhiên nữa là có nhiều tuyến xe buýt đi tới phi trường hoàn toàn miễn phí. 

Hệ thống xe điện ngầm của Nga cũng rất đẹp, sạch sẽ và sâu thuộc loại nhứt nhì thế giới. Nhưng tại Nga thì cửa ra vào sân ga kiên cố hơn nhiều. Không thể vào sân ga được nếu không có vé. Đi từ cửa vô tới sân ga thì chúng ta gặp nhiều nhân viên an ninh với những khuôn mặt lạnh lùng & cặp mắt cú vọ ngồi quan sát mọi người.

Đi hệ thống xe công cộng của từng nước thì chúng ta có thể hiểu thêm được văn hoá, giáo dục của nước đó.

August 21, 2014

Lạnh như tiền

Lạnh như tiền

Đã 30 năm qua tôi chưa có dịp đối diện lại với những khuôn mặt lạnh lùng, với những cặp mắt cú vọ của các nhân viên cộng sản nhưng tôi vẫn còn nhớ như in thái độ hách dịch này.
Thú thật đó là lý do làm tôi thấy ..."mất hứng thú" khi có ai đó đề cập tới chuyện du lịch VN hay các nước CS.
Trong chuyến du lịch lần này tôi có dịp viếng thăm thành phố nổi tiếng St Petersburg (Lenigrad) của Nga Sô. Tuy Nga đã bỏ CS lâu nay rồi nhưng họ vẫn chưa thoát ra được hồn ma của Lenin (??). Đâu dễ gì 1 sớm , 1 chiều có thể thay đổi suy nghĩ của con người. 

Muốn đặt chân vào đất nước Nga thì phải có 1 là Visa , hay phải có giấy chứng nhận của 1 tour du lịch nào đó coi như bảo lãnh cho mình.
Nghe chuyện này là tôi đã thấy khó thở  & hồi hộp rồi !! Trước khi đi thì tôi đã cẩn thận in sẵn giấy chứng nhận này của tour mà chúng tôi đã đặt trước. Không có giấy này là coi như bù trớt, phải ở lại tàu ăn ngủ thôi. 

Ngày đầu tiên bước xuống đất Nga thì tôi rất hồi hộp. .. Trước khi đối diện với viên hải quan Nga thì tôi đã dặn 2 đứa con phải thật nghiêm chỉnh, không được cười đùa như gặp các nhân viên ở nước khác. Tới phiên gia đình chúng tôi vô "trình diện" thì tên hải quan không nói 1 tiếng nào cả, chỉ nhìn chúng tôi bằng cặp mắt xanh lè vô hồn, lạnh như thép. Chờ chúng tôi đưa giấy tờ xong thì hắn lấy & đánh lóc cóc vô máy. Vừa làm hắn vừa tán dóc rất vui vẻ với 1 tên khác. Vậy mà không nở được 1 nụ cười mím chi với chúng tôi nữa? ?

Xin nói thêm là quầy chúng tôi đứng thì sau lưng có 1 tấm kính thật lớn treo trên cao. Lâu lâu thấy tên hải quan liếc liếc lên tấm kính. Chắc để coi chúng tôi có dấu vũ khí gì sau lưng không ?
Đợi cỡ 10-15 phút thì thủ tục cũng xong ( không cần "thủ tục đầu tiên" ). Tôi nói cám ơn & cười 1 cái lấy cảm tình, vậy mà hắn vẫn không nói tiếng nào cả. 

Ngày hôm sau thì đỡ ngán hơn nên tôi không chuẩn bị giấy tờ kỹ càng như hôm trước. Cứ tưởng họ đóng dấu hôm trước rồi thì thôi. Tôi chỉ đưa cho tên hải quan mấy tờ passport thôi. Ai ngờ hắn hỏi giấy đi tour đâu? Lúc đó tôi run quá nên chả nhớ mình để đâu nữa. Lục lọi khắp giỏ mà vẫn không tìm ra. Tôi nói đại là hôm qua đưa mấy ông coi rồi không trả lại cho tui. Hắn kêu 1 cô thông dịch tới hỏi tôi về tờ giấy đó. Tôi hoàn toàn không nhớ là họ trả lại hồi nào nữa. Họ hỏi đi với hãng nào để cô đó phone hỏi có tên chúng tôi không. Lúc đó tôi thật sự hết hồn vì cứ tưởng không đi vô được rồi. Tự nhiên tôi lục trong giỏ lại thì thấy tờ giấy đó nằm chình ình trong giỏ. Tôi mừng hết lớn luôn chạy tới đưa cho tên đó & nói ...tôi quên (hì hì). Hắn nhìn tôi với vẻ hằn học lắm vì tưởng tôi ...giỡn mặt với hắn. Rốt cuộc cũng qua phà được! !

Tôi không hiểu nổi tại sao họ đối xử với du khách như tội phạm vậy? Du khách tới thì giúp cho kinh tế của nước họ chứ đâu hại gì đâu. Họ làm như họ ban ơn cho mình để được vô đất nước họ vậy. Chắc chắn không ai muốn quay lại nơi đó lần thứ hai đâu. 

Trong 2 ngày đi thăm viếng thành phố này thì tôi không thấy họ giới thiệu nơi nào nổi tiếng được xây dựng sau cách mạng tháng 10 cả. Toàn dẫn đi coi lâu đài , nhà thờ được xây dựng từ xưa thôi. Những building cho dân chúng ở cũng cũ kỹ, tàn tạ lắm. Đúng là "thiên đường Cộng Sản"!

August 23, 2014
LikeShow more reactions
Comment

Trồng cây si từ thuở 13

Trồng cây si từ thuở 13
Nhân cô bạn Phượng Các cho đọc bài của tác giả Thai NC, viết về chuyện "kỳ thị" Bắc Nam thời 75, tôi sực nhớ về chuyện xảy ra gần 40 năm trước. 

Vào năm 75-76, lúc đó tôi đang học lớp 7 (7/6), là năm đầu tiên sau 75 nên mọi chuyện đều thật lạ lẫm với chúng tôi. Lúc trở lại trường thì hơn phân nửa lớp đã biến mất. Thay vào đó là những học sinh lạ hoắc, đủ mọi thành phần, trai gái học chung với nhau. Như phản xạ tự nhiên, chúng tôi chơi với nhau theo từng nhóm bạn quen biết nhau từ trước. Tôi chơi rất thân với Bích Thơ, cô bạn có cặp mắt nai thật to, mặt bầu bĩnh, da bánh mật. Vì trong lớp lúc đó không còn bạn cũ nhiều nên 2 chúng tôi hay đứng trước hành lang vào giờ chơi ngắm các bạn lớp bên cạnh cho đỡ buồn. Trong lúc ngắm nghía này thì có 1 nàng "lọt vào tầm ngắm" của 2 cô nhỏ này. Cô nàng rất mủm mĩm, dễ thương. Là dân Bắc Kỳ 75 (BK 75), mà chúng tôi hay kêu là "bộ đội con". Chúng tôi rất thích ngắm cô nhỏ BK này vì thấy cô ta mặc áo dài trắng rất dễ thương. Sau đó chúng tôi cũng bắt chước cô ta mặc áo dài trắng luôn để dễ ...làm quen.

Mê cô nhỏ này quá nên chúng tôi "lên kế hoạch tấn công " mục tiêu. Ngày nào đi học về chúng tôi cũng đạp xe theo nàng 1 khúc. Sau đó xáp vô "tán tỉnh". 
Chắc cô nàng cũng buồn vì không ai thèm chơi với BK 75 nên rất sốt sắng nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi biết được nàng tên Lê. Lê rủ chúng tôi về căn hộ của Lê chơi mỗi tuần vào thứ 5. Vì thứ 5 thì chúng tôi được về sớm. 

Lê rất dễ thương, hiền lành, khác hẳn thành kiến của chúng tôi thời đó. Mẹ của Lê là diễn viên đoàn kịch nói Hà Nội (hay gì đó, tôi quên mất rồi). Nhiều lần Lê mời chúng tôi đi coi kịch nhưng toàn diễn buổi tối nên chúng tôi không dám đi. Chúng tôi kêu Lê là "bé Lê". 

Tình bạn kéo dài cả năm học đó luôn. Lên lớp 8 thì chúng tôi vẫn còn chơi với nhau thân tình lắm. Sau đó thì Thơ chuyển qua lớp khác nên chúng tôi không thân thiết nữa. 

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật tức cười & "mê gái" quá sức. Không quen biết gì hết mà dám tới nhà "ghệ" chơi. Căn hộ của bé Lê ở gần nhà hát thành phố bây giờ và ở trên lầu rất cao. Không có thang máy, chúng tôi phải leo mấy trăm bậc thang mới lên được. Xe đạp thì phải gởi dưới đường. Lên nhà Lê rồi thì phải ra ban công đứng tán gẫu để coi chừng xe đạp luôn. Khó khăn như vậy nhưng không hiểu sao chúng tôi thật hào hứng tới nhà Lê chơi như vậy. 

40 năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh "bé Lê" của chúng tôi. Cùng hình ảnh của cô bạn Bích Thơ dễ thương ngày nào.
April 11, 2015

Trả lại em yêu

"Trả lại em yêu con đường học trò
Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát
Trả lại em yêu con đường mùa hạ"....
Hôm nay đi dạo trên đường với 2 hàng cây lá non xanh như ngọc. Hàng cây với cành lá đan vào nhau quấn quýt. ..làm tôi nhớ ơi là nhớ những con đường ngày ngày đạp xe đi học thời xa xưa. Thuở ấy tôi cũng mê đạp xe dưới hai hàng me xanh đan lá vào nhau của những con đường Duy Tân, Công Lý, Pasteur, Phan đình Phùng... Giữa cái nóng oi bức của Sài Gòn mà được đạp xe tà tà trong những đường này thì như được thoát khỏi "lò bánh mì " vậy.

Tôi còn nhớ như in trong đầu lộ trình từ nhà đến trường ròng rã trong 9 năm. 

Bắt đầu từ hẻm nhà tôi, tới Trần Quang Khải, quẹo trái Hai Bà Trưng. Đường Hai Bà Trưng lúc nào cũng tấp nập nên rất nguy hiểm, phải đạp cho lẹ và luồn lách ẩu chút xíu. Rồi quẹo phải ở Hiền Vương, đi vài trăm mét, qua khỏi tiệm phở gà thì quẹo trái ở Duy Tân cho mát. Nếu không dọt qua được lề trái liền để quẹo vô Duy Tân thì phải chịu khó đạp thêm 1 đoạn đường nắng chang chang của Hiền Vương nữa. Rồi mới quẹo trái ở Công Lý.
Đi Duy Tân thì mát và ít xe cộ nhưng phải băng ngang bùng binh hồ Con Rùa nên cũng khá trầy trật mới tới được Trần Quý Cáp. Đi Công Lý thì chỉ việc đạp thẳng 1 lèo là tới ngay trường nên dễ dàng hơn. 

Lúc về thì lại đạp dọc theo Pasteur cho tới Phan Thanh Giản. Đường Pasteur cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Có lần tôi và nhỏ bạn thân P Thảo đạp xe song song với nhau để tán dóc. Chắc lo "nổ " quá nên không để ý xe chung quanh mình. Bữa đó tôi lại đạp phía ngoài nên bị lãnh 1 cú kí đầu đau điếng của 1 ông xích lô đạp. Ông vừa kí vừa la um sùm vì 2 đứa đạp xe choáng đường thiên hạ!! 

Đường này cũng là đường mà chúng tôi hay chọc ghẹo 1 anh bạn cùng lớp. Mỗi khi thấy chàng ta băng qua đường góc Pasteur/Phan Đình Phùng là 2 đứa tôi vừa đạp qua mặt chàng vừa la lên ..."hương qua đèo " (vì chàng có dáng rất mủm mĩm 😄). La lên xong là gắng đạp cho lẹ để khỏi nghe ...rủa. Ôi, không hiểu sao ngày xưa tôi thích chọc ghẹo bạn bè quá! !

May 3, 2015

Em tập làm văn

Em tập làm văn
Mấy lâu nay có vài người thắc mắc sao dạo này tôi hay kể lể dài dòng đủ chuyện trên trời, dưới đất trong Facebook. Có vài người nghĩ rằng hồi xưa chắc tôi có khiếu viết văn lắm. Xin thành thật thưa rằng môn Văn (nhứt là sau 75) là môn tôi chán nhứt.

Mỗi lần tới giờ làm luận trong lớp là tôi phải vò đầu, bứt tóc, rồi. ..nặn từng chữ từng chữ. Chỉ cầu mong viết cho đầy 4 trang giấy học trò nhỏ xíu thì mới hy vọng được điểm trung bình!
Xin đính kèm học bạ năm lớp 8 làm bằng chứng. ..xém rớt môn văn. Học kỳ 1 thì tôi chỉ được 4.9/10 thôi. Sau khi biết điểm thì tôi tỉnh bơ, nhưng thầy chủ nhiệm thì lại rầy tôi quá chừng. Không phải thầy la vì tôi học dốt, mà thầy la vì tôi không chịu báo cho thầy biết trước bị ít điểm để. ..thầy xin cô dạy văn cho tôi thêm điểm 😄. Vì có 1 môn dưới 5 điểm thì không được là "học sinh tiên tiến ". Mất 1 học sinh tiên tiến thì thầy cũng mất "điểm" với trường! 

Sau vụ "lọt sổ " này thì tự nhiên sau đó điểm văn của tôi được nhích lên chút xíu. Chắc thầy đã. ..nói nhỏ với cô Phụng là cho tôi thêm vài điểm? Hi hi

Lên lớp 9 thì tự nhiên môn văn của tôi tiến triển rõ rệt. Chắc chắn rất nhiều bạn ngạc nhiên nhưng không hiểu lý do. Hôm nay tôi xin tự thú tại sao điểm văn của tôi nhảy vọt như vậy. Rất giản dị là tôi tìm được "nguồn " để. ..cọp dê (hi hi...). 

Số là tôi có các anh chị họ con Bác tôi (chị ruột của ba tôi ) ở Hà Nội gởi vô cho chúng tôi vài quyển sách rất quý. Mấy quyển sách này là tuyển tập các bài văn nhứt nhì trong mấy kỳ thi giỏi văn ở miền Bắc trước 75. Nhận được mấy cuốn sách này như là "Cẩm namg gối đầu giường " của chúng tôi lúc bấy giờ. 

Thi học kỳ 1 năm lớp 9 thì tôi "trúng tủ" vì bình luận về tác phẩm "Tắt Đèn ". Vậy là tôi tha hồ. ..chép lại 1 bài được giải trước đó. Dĩ nhiên là chỉ chép 1 khúc thôi. Nhờ vậy mà kỳ thi đó tôi được tới 8 điểm (kỷ lục của tôi ) 😆 Cô bạn thân ngồi kế tôi rất ấm ức vì cô ta luôn dẫn đầu lớp môn văn nhưng lần đó lại thua điểm tôi. Cô bạn mượn bài của tôi nghiền ngẫm và sau đó cũng công nhận là. ..hay thiệt, hi hi

Tôi chưa nói lời cám ơn nào tới anh chị của tôi cả. Bây giờ nghe tin có anh đã yên giấc ngàn thu rồi. Không biết khi nào tôi mới có dịp cảm tạ tấm lòng của các anh chị? Các tài liệu đó đã thực sự "cứu vớt" anh em tôi khỏi khổ sở với môn văn khó nuốt.
Cũng vì chuyên môn học tủ nên kỳ thi lên lớp 10 thì tôi bị "tủ đè" ! 😄 Vì đầu đề không dính bài nào trong "bửu bối " nên tôi đành. ..múa bút lung tung cho xong chuyện. Sau đó khi vô trường coi điểm thì tôi đụng độ thầy Tuấn dạy văn. Thầy nhìn tôi với vẻ mặt không vui, rồi thầy phán là : "sao kỳ này em làm bài tệ quá. Thầy rất thất vọng về em !!!". Ui giời ơi, nghe thầy rầy thì tôi quê quá và nhủ thầm trong bụng là "vì em trật tủ thầy ơi" 😄

Hôm qua viết xong thì anh Khoa có ý kiến là nền giáo dục của VN lúc xưa rất thiếu sót vì không rèn luyện học trò về diễn thuyết, về tài lãnh đạo. Anh nói rất đúng. Có lẽ nền giáo dục chỉ muốn đào tạo 1 thế hệ biết phục tùng như "con vẹt " thôi. Hồi đi học thì tôi không khi nào có cơ hội đứng trước lớp diễn thuyết. Vì vậy tôi rất run khi phải có ý kiến trước đông người. 

Vì biết khuyết điểm của mình nên tôi mới tham gia vào hội ToastMasters trong sở. Hội này rèn luyện cho mình khả năng nói chuyện trước đông người. Mà trước khi nói thì mình phải viết sườn bài để chuẩn bị cho bài nói.
Vì vậy, hơn nửa đời người rồi mà tôi lại phải "tập viết văn" . Tuy nhiên, lần tập viết này thì có vẻ hứng thú hơn mấy chục năm trước 😄




Monday 12 September 2016

Vigeland scupture park- Oslo- Norway

Vigeland scupture park- Oslo- Norway

Tất cả tượng trong park này đều do 1 mình ông Gustav Vigeland vẽ kiểu. Điểm đặc biệt là các tượng đều "nude". Ông muốn diễn tả cuộc sống con người từ lúc sơ sinh, tới khi trưởng thành, rồi già & chết. Tất cả chỉ là 1 vòng luân hồi: sanh, lão, bệnh, tử. 

Đi từ ngoài vào trong chúng ta sẽ cảm nhận được tất cả "hỉ, nộ, ái, ố" qua từng bức tượng. Ngắm nhìn từng nét mặt được ông diễn tả cùng với dáng điệu , thật xúc động. ..






Cuối cùng của con đường là những bức tượng ông cụ râu tóc bạc phơ nhưng vẫn vui đùa & chăm sóc lớp trẻ thơ. Phải ngắm nghía những bức tượng này thật gần, thật kỹ thì mới cảm nhận được ý tưởng của ông.



Sau đó là những bức tượng màu trắng thật to cũng diễn tả vòng luân hồi của cuộc sống nhưng phần này thì gần với sự chia lìa hơn. Đi từ thấp, chúng ta leo lên bậc thang từ từ. ...sẽ gặp 1 tháp cao đâm lên trời. Tháp này nếu đứng từ dưới nhìn lên thì giống như đường lên thiên đường vậy. 




Đi tiếp vô phía trong của park sẽ thấy 1 vòng tượng diễn tả 12 con giáp của phương tây (zodiac signs).




Mới bước chân vô park thì ai cũng ngạc nhiên & cười cợt vì thấy toàn tượng khỏa thân. Nhưng càng đi vô trong càng thấm thía ý nghĩa vô thường của cuộc đời. Đi trong đây 1 hồi thì tâm trạng ai cũng có vẻ nhẹ nhàng & quý trọng cuộc sống hơn. Thật thán phục điêu khắc gia Vigeland.


August 24, 2014

Quà Noël năm xưa

Quà Noël năm xưa
Sáng nay thấy 2 đứa nhỏ thức dậy hăm hở mở quà của nhau thì tôi nhớ về những món quà Noël tình nghĩa của hơn 40 năm trước.
Nhờ Ánh Loan  hay chị Diễm Hằng đọc cho dì Diệm nghe dùm em bài viết này. 

Đã hơn 40 năm mà tôi vẫn còn nhớ như in nỗi vui mừng khi nhận được quà từ "Ông già Noël". Gia đình tôi không theo đạo Thiên Chúa nên không ăn mừng lễ Giáng Sinh. Vậy mà năm đó (có lẽ năm 72 hay 73 gì đó) Dì mời 5 mẹ con chúng tôi tham dự tiệc mừng Chúa Giáng Sinh tại căn hộ của Bác Dì ở đường Bà Huyện Thanh Quan.

Sau khi ăn uống xong thì bỗng Dì tới chỗ bọn trẻ đang ngồi chơi rồi Dì báo tin mừng là. .."ông già Noël mới tới cho quà mấy đứa nhỏ đây". Anh em tôi chưa bao giờ được quà nên mừng hết lớn luôn. Không biết mấy anh tôi có tin không nhưng lúc đó tôi thật sự tin là có ông già Noël thiệt.

Tôi được Dì cho 1 con búp bê thật xinh xắn mà có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới !! Nó nhỏ cỡ 4 tấc, da bằng nhựa mềm mại, màu trắng hồng. Tóc nó bum bê, vàng óng ả như tơ. Mắt xanh trong như 2 hòn bi, biết mở và nhắm mắt khi nằm xuống. Búp bê mặc áo đầm màu hồng satin thiệt dễ thương và mang giày trắng gọn gàng. Tôi thương quý con búp bê lắm vì tôi không có chị em gái để chơi đùa. Bất kỳ lúc nào rảnh là tôi đem "em" ra chơi bán hàng với tôi. Đôi khi tôi dụ khị được ông anh kế chơi với tôi nhưng ổng chỉ chịu chơi khi có đồ ăn thiệt thôi.

Tôi giữ em rất kỹ, không dám làm em đau. Sau 75, cỡ năm 78-79, cậu tôi từ Hà Nội vào chơi với 2 con gái. Thấy 2 cô nhỏ cỡ 12-13 tuổi mê em búp bê của tôi quá nên tôi đành "hy sinh" tặng em cho 2 cô đó. Vậy mà hỡi ơi, chỉ 1 tuần sau thì nhan sắc của em thiệt tàn tạ. Tôi đau lòng quá hỏi sao vậy thì 2 cô ấy nói là họ lấy nước gội đầu cho em !!! Vì vậy mà tóc em xơ xác hết. Đúng là "giao trứng cho ác".

Hôm nay thấy hình Bác Dì trên facebook nên tôi muốn viết bài này như 1 lời cám ơn chân thành tới Bác Dì đã thương yêu mấy mẹ con tôi. Ba tôi mất lúc tôi mới 17 tháng nên Mẹ tôi phải vừa làm Cha và vừa Mẹ cùng lúc. Mẹ tôi chỉ lo được cho 4 anh em tôi đủ ăn đủ mặc, cùng học hành là mệt mỏi lắm rồi. Nhờ Bác, Dì giúp đỡ rất nhiều về tinh thần như chở chúng tôi tới nhà nghỉ mát mỗi Chủ Nhật, chở chúng tôi đi nghỉ hè ở miền Tây...và rất nhiều ơn nghĩa nữa.

Con kính chúc Bác Dì luôn vui sống cùng con cháu.

Noel 2014

Sunday 11 September 2016

Mộng bình thường

Hình vợ chồng bạn chở nhau ở Bali trong chuyến du lịch làm mình chợt nhớ tới 1 kỷ niệm thời niên thiếu.
Có lẻ chúng ta đều có những mong muốn thật nhỏ nhoi nhưng lại khó thực hiện được. Tôi có 1 điều mơ ước là được ngồi 1 bên điệu đàng như tấm ảnh này vậy.
Không biết từ lúc nào mà con bé 8-9 tuổi lại rất mê ngắm các bà, các cô ngồi sau xe 2 bánh 1 bên như vậy. Nó cứ mơ tới 1 ngày nào đó nó cũng được ngồi chễm chệ như rứa. Nhưng sao cái ngày đó đợi hoài mà chẳng thấy tới. Cứ ngồi đợi sung rụng vậy thì sốt ruột quá, nên bữa đó nó quyết định. .." biến ước mơ thành sự thật " vậy.
Cứ ngày Chủ Nhật thì mẹ nó hay chở nó đi lòng vòng chơi trên chiếc Honda đam màu lục của mẹ nó. Mẹ nó luôn bắt nó ngồi 2 bên và 2 tay phải bám chặt vô yên xe cho khỏi đo đường. Lúc đó nó còn nhỏ xíu,  ốm tong như cây tăm nên nhẹ hều. Nó ngồi trên xe hay rớt xuống đường thì mẹ nó cũng không hay biết gì cả.
Hôm đó cũng như thường lệ,  mẹ nó chở nó đi đâu đó về. Xe vừa quẹo vô ngõ nhà nó thì nó nhìn xung quanh thấy vắng vẻ, vậy là nó nhứt định phải thử ngồi 1 bên coi cảm giác ra răng ?? Ỷ lại là mình nhẹ bổng nên nó nghĩ mẹ nó sẽ không hay biết gì khi nó làm " ảo thuật " như vậy. Nghĩ là làm liền. ... vậy là nó đứng dậy sau lưng mẹ nó,  chuẩn bị chuyển chân phải qua bên trái để thử nghiệm. ... như hình này nè
Nhưng vừa giở chân phải lên thì nó. .. lăn đùng xuống đường rồi. Ui da .... sao kỳ vậy ta? Nó không hiểu chuyện gì đã xảy ra nữa. Nó đã tính toán từng động tác cẩn thận lắm rồi mà.

Lúc nó định thần lại thì mẹ nó đã chạy tới nhà nó rồi, cách chỗ nó ngồi đo đường cỡ 20 thước. Mẹ nó dừng lại,  không thấy nó đâu hết thì mẹ nó mất hồn. Mẹ nó lại thấy nó còn ngồi bẹp dưới đất nên cứ tưởng vì đường bị ổ gà nên nó rớt xuống đất thôi. Nó không bị mẹ nó tra hỏi hay rầy la gì hết,  thiệt hú hồn.
Sau bữa thử nghiệm thất bại thì nó không dám liều mạng nữa nhưng vẫn mong ước sẽ có ngày được ai đó chờ đi vi vu ngồi 1 bên như vậy.
Cả chục năm sau thì nó được ngồi sau lưng nhiều người,  khi thì anh nó,  khi thì bạn nó. Nhưng chưa lần nào nó dám thực hiện mong muốn này,  có lẻ nó bị ám ảnh cú té hồi xưa nên vẫn còn sợ.
Sau năm 75, nó lại thấy nhiều anh bộ đội ngoài Bắc vô chở nhau trên xe đạp cũng ngồi 1 bên như vậy. Điều này thật lạ lẫm với nó vì nó toàn thấy mấy cô ngồi kiểu này thôi. Sau đó vài năm thì có thời gian nhà nước bắt thanh niên chở nhau phải ngồi 1 bên. Họ nói là ngồi 2 bên thì dễ giựt đồ của người khác nên cấm thanh niên ngồi 2 bên. Ngồi 1 bên thì dễ té nên khó giựt đồ hơn. Không nhớ luật này áp dụng được bao lâu nữa nhưng nó thấy đúng y chang trường hợp của nó.
Bây giờ tuổi đời đã dày hơn xưa nhiều nhưng giấc mộng rất bình thường ngày nào vẫn chưa thực hiện được. Hy vọng 1 ngày nào đó sẽ được ai đó chở đi 1 vòng lả lướt với kiểu ngồi khép nép như vậy.

Friday 9 September 2016

Chị em gái

Tôi chỉ có 3 ông anh thôi,  không có chị hay em gái để tâm sự nên từ nhỏ tôi rất ít nói lúc ở nhà. Đúng hơn là cũng muốn "lét chét " lắm nhưng ông ngoại không cho con gái tham gia bàn luận chuyện gì trong bàn ăn vì "trọng nam khinh nữ".
Dì tôi  (em kế của mẹ) lại có 2 gái và 2 trai. Dì ở Đà Lạt nên mùa hè Dì hay đem các em về nhà tôi nghỉ hè và thăm ông bà ngoại. Vài ba năm thì anh em tôi cũng được lên Đà Lạt mù sương nghỉ mát.
Khánh là con gái lớn của dì, hơn tôi vài tuổi.  Phương là con thứ 3, hơn tôi chỉ 1 tuổi thôi nên chúng tôi khá thân với nhau. Mỗi năm chỉ gặp nhau vài tuần nhưng chúng tôi vẫn rất thân thiết với nhau.
Số mẹ tôi và dì luôn sống xa nhau như vậy. Qua nước ngoài thì gia đình dì ở Nam CA, gia đình tôi lại ở Canada.
Vậy là chúng tôi tiếp tục "truyền thống " gặp nhau mùa hè của ngày xưa. Mấy nhóc con của chúng tôi cũng nhờ vậy mà gần gũi nhau hơn.
Năm nay đặc biệt chúng tôi gặp nhau tới 2 lần. Lần đầu là hẹn nhau ở Banff- Calgary .  Đi chơi mấy gia đình với nhau cả tuần thật vui nhộn,  lớn nhỏ gì cũng thích thú vì có bạn đồng hành.






Hơn 1 tháng sau chúng tôi lại có duyên hội ngộ 1 lần nữa tại nhà tôi ở Toronto. Vậy là mấy chị em lại có dịp hàn huyên,  ôn lại những kỷ niệm từ thuở xa xưa. Mẹ tôi cũng rất vui vì có dịp kể những chuyện nằm yên trong ký ức, đóng bụi thời gian khá dày. Hiếm khi mẹ tôi thức khuya lắm, vậy mà mấy đêm liền bà thức tới hơn 12 giờ khuya để kể chuyện xưa rất say mê. Cám ơn Khánh và Phương đã ghé qua mấy ngày và chịu khó làm "thính giả trung thành". 


Thật may mắn cho những ai có chị em gái vì chị em luôn gần gũi,  lo lắng cho nhau hơn anh em trai. Có chuyện gì cần tâm sự thì chị em gái dễ bày tỏ và hiểu nhau hơn. 




Ba chị em đã bên nhau mấy ngày thật vui và có những trận cười bể nhà luôn. Hẹn gặp lại năm tới nhe.

Thursday 8 September 2016

Đùm bọc

Đùm bọc 

Chuyến đi du lịch tại Ý lần này cho chúng tôi thật nhiều bài học nhớ đời. Một trong những bài học quý báu đó là tinh thần đùm bọc lẫn nhau.

Những nơi có nhiều du khách thì cũng có nhiều người bán hàng lưu niệm. Người ít vốn thì chỉ đủ mua vài món bán rong như là : cây selfie, dù, khăn choàng cổ. .. Mua hàng rong thì mình trả giá được nên tôi vẫn thích mua hàng của những người này hơn là mua trong quầy hay tiệm. 


Hôm đi Pisa thì những người bán rong đã làm tôi thật 
bất ngờ vì tinh thần đùm bọc lẫn nhau của họ. 

Hôm đó đang đi giữa chợ trời, quán bán đồ lưu niệm đầy nghẹt 2 bên đường. Tôi muốn tìm mua 1 cây dù có hình nước Ý. Đi tới cuối dãy thì tôi gặp mấy ông Ấn Độ đứng bán dù. Có vài người đứng bán nhưng tôi hỏi 1 ông đứng gần tôi nhứt. Tôi muốn coi chiếc dù màu sắc ra sao nên nói ông ta cho tôi coi thử. Ông ấy đang lúng túng gỡ dây cột để lấy ra 1 cây vì ông phải cột chúng lại với nhau cho dễ cầm. Trong lúc ông ấy loay hoay như vậy thì mấy ông kia nhào tới liền cầm đồ phụ ông ta và giúp ông ta gỡ cây dù ra cho tôi xem. Họ còn "quảng cáo" dùm ông ta nữa. Cả mấy ông đều vui vẻ chỉ cho tôi cách xài cây dù. 

Thái độ của họ đối với nhau làm tôi thật sự cảm động. Thường thì khi bán cùng 1 loại hàng như vậy thì người ta hay cạnh tranh lôi kéo, dành khách với nhau, chứ tôi chưa hề thấy họ giúp đỡ nhau như vậy. Điều này làm tôi thương cảm họ và muốn mua thêm để giúp họ.

Tôi cũng thấy rất nhiều người da màu bán giỏ xách hàng hiệu nổi tiếng trên lề đường ngay trước các cửa tiệm cùng hiệu . Dĩ nhiên là đồ dỏm , "made in Hong Kong , bên hông Chợ Lớn " rồi . Họ cũng đoàn kết với nhau bằng cách ra hiệu cho nhau khi thấy bóng dáng cảnh sát .

Không biết đứng bán cả ngày như vậy lời được bao nhiêu mà cực quá! !

July 15, 2015

Thursday 1 September 2016

Học tiếng Tây

Học tiếng Tây
Bà ngoại vẫn còn minh mẫn lắm. Còn nhớ tiếng Tây để dịch truyện cho 2 nhóc. Cả 2 chị em ngạc nhiên quá 😄 Vinh hỏi Ngoại hồi đó dạy tiếng Tây hay Toán? Ngoại nói "dạy đủ thứ hết. Ai kêu đâu dạy đó 😄".
Hôm nay thấy 3 bà cháu học tiếng Tây với nhau thì tôi nhớ lại hình ảnh của mình 45 năm trước (xưa hơn trái đất nữa 😄). Lúc tôi vào lớp một cũng bắt đầu phải làm quen với tiếng Tây, do bà đầm Tây chính hiệu dạy. Bởi vậy mấy bữa đầu lơ ngơ vì chả hiểu cô nói gì cả ! ! Sau đó tối nào cũng được bà ngoại kèm cặp cho môn Pháp văn. Ăn cơm xong là 2 bà cháu ngồi đọc sách cả tiếng. Bà phải giảng & bắt nhỏ cháu học thuộc lòng. Nhờ bà ngoại kèm nên con nhỏ mới theo kịp bài trong lớp học. Bà thật kiên nhẫn , hiền dịu, không bao giờ nạt hay rầy khi cháu chưa thuộc bài. Đúng là phong cách nhà giáo thời xưa. Cám ơn Bà rất nhiều 💖

Bánh lá dừa đầy kỷ niệm.

Bánh lá dừa đầy kỷ niệm.
(Thân tặng 2 cô bạn "tù" ngày xưa : Nguyễn Ánh Loan & Thùy Trang )
Hôm nay có cô bạn mời mọi người bánh nếp đậu gói lá dừa trên Facebook, làm tôi chợt nhớ tới kỷ niệm về bánh này.

Gần 35 năm trước, cuối năm 1981, tôi & mấy chục người nữa bị công an VN tóm gọn khi ngồi trên tàu vượt biên. Bị bắt vào ban đêm ở 1 khu tận cùng đất nước gần rừng tràm Cà Mau. Hôm sau thì họ chở chúng tôi về trại tù lớn ở Năm Căn. Trước khi vô trại thì chúng tôi bị lục soát tới 2 chặng để họ vơ vét tiền, vàng. ..Vì vậy vô trại thì hầu hết mọi người đều "vô sản". Hàng ngày họ phát cho mỗi người 2 chén cơm trắng : trưa 1 chén & chiều 1 chén. Gạo khá ngon nhưng vì nấu nồi to nên hơi nhão. Họ chỉ phát cơm thôi chứ không có mắm muối gì nữa hết. May mắn là tôi được 1 cô bộ đội cho lại mấy chục đồng để. ..về xe. Vậy là cả mấy người trong nhóm tôi (7 người ) chia nhau sống với mấy chục bạc đó.
 Chúng tôi nhờ 1 người tù khác được phép ra ngoài đi chợ mua dùm 1 chai nước mắm & vài cái trứng vịt, vài trái ớt. Sau đó mỗi buổi lại nhờ đầu bếp luộc dùm 1 cái trứng. Chúng tôi dằm trứng vô chén nước mắm & ớt cho cay để dễ nuốt cơm. Bảy người chia nhau 1 chén nước mắm ớt & trứng đó. Chúng tôi phải vò cơm lại thành nắm rồi chấm vô nước mắm để ăn vì không có muỗng đũa gì hết. Cứ ăn như vậy cả tuần sau thì chúng tôi đều thèm mọi thứ. Nhiều người lúc đó đã được người nhà thăm nuôi nên đã có tiền mua đồ ăn thêm. Vì vậy có 1 đứa bé cứ đứng trước cổng trại bán bánh lá dừa này. Chúng tôi thì chưa được tiếp tế nên chỉ suốt ngày ngồi nhìn mấy cái bánh mà thèm & mơ ước được cắn 1 miếng nếp trộn đậu thôi cho đã thèm. 2 cô bạn Trang & Loan thì kén ăn nên cũng chê cơm luôn, chỉ đụng tới khi thiệt đói. Còn tôi khi nào cũng gắng nuốt cho no. 

Vậy mà mỗi lần thấy con bé lảng vãng trước trại thì tụi tôi cứ mơ tưởng tới mùi thơm ngon của mấy cái bánh dừa này. Thèm vậy nhưng sau khi được thả ra thì về Sài Gòn cũng không tìm để mua được vì hình như ở SG it bán bánh này. 

Bây giờ, 35 năm sau tôi lại mơ được cắn 1 miếng vào cái bánh nhân chuối thơm phức này. Chắc cái bánh này sẽ đi theo tôi tới cuối đời quá!