Sunday, 16 October 2016

Cá Hồi về cội nguồn (Salmon Run)

Hôm nay trong lúc ăn sáng thì Linh, con gái tôi, nói: " Mẹ ơi, bạn con nói nó đi coi cá hồi đẻ trứng hay lắm". Nghe vậy thì tôi hỏi liền : " con hỏi bạn đi ở đâu, có gần mình không ?". Linh nói để Linh hỏi bạn . Trong khi chờ đợi thì tôi hỏi Bác Gú Gồ coi bộ lẹ hơn . Bác cho biết là cá hồi hay trở về nguồn ở sông Humber rất gần nhà tôi và tháng 10 là tháng cá về nhiều nhứt .
Nghe vậy thì tôi mừng quá và quyết định chiều sẽ khăn gói lên đường săn ...(ảnh) cá .

Từ nhà tôi tới công viên Old Mill chỉ hơn 6 km thôi, chạy 15 phút là tới nơi rồi . Nhưng chúng tôi muốn đi bộ tập thể dục luôn nên tới công viên James Garden , rồi mới cuốc bộ xuống Old Mill . Trên đường đi từ James Garden tới Old Mill thì được ngắm lá vàng , đỏ rất đẹp .



Trong công viên Old Mill có tới 3 đập nước để điều hoà lượng nước của sông Humber . Chúng tôi đi tới đập nước đầu tiên thì thấy có vài người đứng nhìn xuống đập chăm chú . Thấy 2 thanh niên vừa câu được 1 con cá thật lớn và họ đang "phóng sinh" cho nó . Dân Điên thật nhân đạo,  họ chỉ câu để giải trí thôi chứ không phải câu để ăn.












Nghĩ là sẽ thấy cá hồi vượt rào nên chúng tôi ngừng lại coi . Nhưng gặp 1 anh người Việt , anh cho biết là đi xuống dưới nguồn cỡ 1 km nữa thì sẽ thấy nhiều cá hơn . Vậy là chúng tôi tiếp tục  đi. Thật vậy , xuống tới đập thứ 3 thì rất nhiều cá đang cô gắng nhảy lên giòng nước đang chảy xuống ào ào . Nhiều khi thấy cả cặp cá cùng nhảy luôn . Cả mấy chục người đứng , ngồi coi cá biểu diễn . Ai cũng chăm chú với cell phone hay máy hình để ghi hình lại, cảnh tượng thật thú vị .






















Từ dưới mặt nước  nhảy lên trên đập cỡ 1.5-2 m, cũng khá cao nên rất ít cá nhảy lên nổi . Vậy mà chúng rất kiên nhẫn , cứ nhảy đi nhảy lại hoài  cho tới khi thành công. Mỗi lần cá rớt xuống là mọi người kêu lên xuýt xoa, tội nghiệp cho nó . Thường thì chúng nhảy 1 cặp chứ ít khi đi mình ên .























Sau khi đi coi cá hồi vượt đập về nguồn thì tôi đã tìm hiểu tại sao cá lại khổ thân như vậy . Tôi coi ở Wikipedia và xin tóm lược sơ về loài cá hồi Đại Tây Dương (Atlantic Salmon) để các bạn cùng đọc cho biết .

Cá hồi Đại Tây Dương sống lâu nhứt trong các loại cá hồi, có thể sống tới 13 năm . Các nhà khoa học nghiên cứu thì họ rất ngạc nhiên là cá hồi luôn tìm về được nơi nó đã được sinh ra để đẻ trứng tại đó , rồi lại cũng lìa đời tại đó luôn . Giống như ông bà mình hay nói là muốn được an nghỉ tại nơi chôn nhau cắt rún của mình vậy . Đó là lý do tại sao mình thấy nó cứ cố gắng nhảy lên cả trăm lần cho tới khi thành công mới thôi . Chắc vì vậy mà sau khi đẻ trứng rồi thì hết cả năng lượng .

Một con cá cái có thể đẻ tới 7-8 cái ổ trứng . Một ổ có diện tích cỡ 2.8 mét vuông . Cá cái phải tới chỗ muốn đẻ trứng trước để làm ổ cho an toàn . Nó dùng đuôi để di chuyển các hòn đá sao cho khi trứng đẻ ra được bảo vệ tốt nhứt . Trứng cá lớn cỡ hột đậu hoà lan , có màu cam hay đỏ . Sau khi cá cái thả trứng thì cá đực "làm nhiệm vụ gieo giống" . Cá đực sẽ chạy vòng vòng ổ trứng để thả "lăng quăng" vô đám trứng đó . Cái cha sẽ chạy lòng vòng khu đó để tấn công kẻ nào muốn tiêu diệt ổ trứng . Sau đó thì cá cha và mẹ đều yên nghỉ . Cá hồi sản xuất ra thế hệ sau chỉ 1 lần trong cuộc đời thôi .
Trứng sau khi đã thụ tinh thì nằm yên đó từ 2 tới 6 tháng để phát triển . Mấy tháng sau thi nở ra cá con , chỉ dài cỡ 15-20 cm thôi . Cá con sống trong sông tới 2-3 năm để làm quen với môi trường . Lúc này thì cá con có da sọc đen , trắng , chưa có vảy . Khi cơ thể đã trưởng thành , cứng cáp (giống như thanh niên 18 tuổi) thì cá thay da thành màu trắng và có vảy bạc . Sau đó cá sẽ bơi ra biển vẫy vùng . Sau cỡ 9-10 sống ngoài biển thì cá lại bơi vào sông để sản xuất trứng . Trước khi trở vô sông thì cá lại thay đổi da 1 lần nữa thành màu đen sẫm .



Cám ơn Thục Linh đã cho mẹ biết về việc cá hồi về nguồn đẻ trứng để mẹ biết thêm những điều thật thích thú . Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi để học hỏi hàng ngày nhe con .

October 16, 2016
TK

No comments:

Post a Comment