Wednesday 11 July 2018

Trường đời

"Ầu ơ.. Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi...
Ầu ơ... Khó đi mẹ dắt con đi, ầu ơ...
Con đi trường học,  mẹ đi trường đời... ầu ơ..."

Mười tám năm trước tôi hay hát mấy câu ầu ơ ru con này để dỗ cặp sinh đôi ngủ buổi tối. Vốn liếng "ầu ơ" của tôi chỉ có nhiêu đó thôi nên phải xào đi xào lại hoài. Vừa ngâm nga vừa nghĩ không biết bao giờ 2 nhóc mới tập tễnh "đi vào trường đời " được đây. Thấy sao xa xôi quá!
Vậy mà chớp mắt vài cái... nay thì cả 2 đang chập chững bước vào trường đời nhiều chông gai, thử thách. Từ mùa hè năm lớp 8, mới 14 tuổi, 2 chị em đã xin làm thiện nguyện cho nhà trẻ trường cấp 1, nơi cả 2 đã theo học. Trường chỉ cách nhà hơn 1 km nên cả 2 đi bộ tới giúp các cô vào buổi sáng. Ăn trưa xong thì phụ mấy cô chơi với mấy em chút xíu là đi về. Vì đã học ở đó nên mấy cô tin tưởng giao các em nhỏ cho. Nhờ vậy mà cả 2 đã học được nhiều khi phải phân xử các em nhỏ.
Lớp thứ nhì từ "trường đời " cũng rất quý. Qua mùa hè kế (lớp 9), thì cả 2 cùng xin làm thiện nguyện tại 1 nhà dưỡng lão cách nhà cỡ 5km. Mỗi tuần chỉ làm vài ngày thôi. Họ chia 2 chị em làm ca khác nhau & công việc khác nhau. Linh xung phong làm thâu ngân cho 1 quán bán đồ lưu niệm ở đó, dù chưa biết gì về cách xài tủ đựng tiền. Lâu lâu Linh cũng phụ các cụ như chuyện trò hay đẩy họ về phòng. Còn Vinh thì luôn phụ các cụ trong nhiều việc như đẩy về phòng, giúp tổ chức BBQ, đẩy các cụ tới phòng đọc kinh vào chiều Chủ Nhật. Đó là mùa hè đầu tiên mà 2 chị em phải tự lấy xe bus để đi làm. Đi vài lần suông sẻ nên cả 2 tự tin lắm. Làm việc tại nhà dưỡng lão đã dạy cho 2 nhóc tính kiên nhẫn, cách tiếp xúc nhẹ nhàng với người già.
Năm 16 tuổi là tuổi được phép chính thức làm việc lãnh lương, thì cô chị rất hăm hở xin việc kiếm tiền dằn túi. Số hên là mới nộp đơn bữa nay thì hôm sau được Starbucks kêu tới phỏng vấn liền. Không biết cô nàng ba hoa ra sao mà được nhận luôn. Linh mê các loại nước uống ở Starbucks lắm nên rất mừng khi được nhận làm mùa hè đó. Nhưng họ chỉ cho làm vài ngày 1 tuần thôi & nhiều bữa phải làm ca chiều tới khi đóng cửa tiệm. Làm công việc này thấy vậy chứ rất mệt vì làm liên tục,  khách hàng khó tính nên cũng khá căng thẳng. Làm được 1 mùa hè học được rất nhiều về cách chiều lòng khách hàng nhưng Linh không muốn trở lại nữa vì không được làm nhiều giờ.
Còn cậu em thì làm thiện nguyện ở bệnh viện tới 2 mùa hè, năm 16 & 17 tuổi. Vinh cũng học được nhiều về cách đối nhân xử thế.
Năm 17 tuổi, Linh lại may mắn 1 lần nữa là được nhận làm Councillor cho Day Camp của City. Mùa hè thì thành phố tổ chức nhiều trại hè vào ban ngày để các em thiếu niên tham gia, thay vì ở nhà chơi computer games hay ôm TV. Linh rất thích hợp với việc này vì thích làm việc với trẻ em. Linh hết lòng chăm sóc & bày đủ trò chơi nên các em rất thương chị.
Đã có tên trong danh sách nhân viên của thành phố rồi nên năm nay, 18 tuổi, Linh xin công việc này 1 lần nữa, nhưng xin đổi về trường rất gần nhà để đi xe đạp. Ngày nào cũng kể về các em rất vui. Có 1 thằng bé rất chướng & không nghe lời. Tuần đầu thì Linh chưa biết tính nó nên đã làm nó "nổi cơn" la hét um sùm. Linh về buồn lắm & nghĩ cách để "trị " thằng bé 9 tuổi này. Tuần thứ 2 thì Linh nói là nó đã vui vẻ & "chịu" Linh rồi vì Linh nói chuyện nhẹ nhàng với nó hơn. Rất mừng vì thấy con mình đang từng bước học được nhiều kinh nghiệm từ trường đời.
Còn Vinh thì năm nay không làm thiện nguyện nữa vì cần để dành ít tiền học Đại học.  Cũng may mắn là xin được việc mùa hè ở rạp chiếu cine'. Vinh được chia cho làm ở quầy bán bắp rang & đồ ăn. Vì vậy học được kinh nghiệm thu tiền, thối tiền cho khách. Tuần trước đi làm về thì Vinh có vẻ buồn & kể là bị ông kia lừa chôm mất $20. Ông ta làm lẹ như ảo thuật nên Vinh lơ ngơ không biết. Lúc đóng sổ, đếm tiền thì bị hụt mất $20. Sau đó kể cho đồng nghiệp nghe thì họ nói vậy là bị ông đó lừa rồi. Cũng may là chỉ bị mất $20 thôi. Đúng là 1 bài học quý giá từ trường đời.
Từ từ thì các con cũng sẽ học thêm nhiều kinh nghiệm nữa để đối phó với cuộc sống. Hy vọng sau mỗi vấp ngã thì con sẽ đứng lên bước tiếp vững chãi hơn.

No comments:

Post a Comment